Phúc ông Tự truyện, hồi ký của Fukuzawa Yukichi.
Cũng nhân dịp kỷ niệm 150 năm cuộc Canh tân Minh Trị của Nhật Bản, cùng với việc xuất bản cuốn văn minh khái lược, chúng tôi cũng tiến hành tái bản cuốn Phúc ông Tự truyện của Phạm Thu Giang, cuốn sách mà do chúng tôi xuất bản lần đầu từ năm 2005..
Và nhân đây, gửi lại lời giới thiệu của bạn Giang, dịch giả, nay đã là giảng viên khoa Đông Phương của Đại học Nhân Văn/Đại học Quốc gia Hà Nội.
Bình.
—
VỀ CUỐN PHÚC ÔNG TỰ TRUYỆN
Fukuzawa Yukichi có lẽ bắt đầu được độc giả Việt Nam biết đến với tên gọi đọc theo âm Hán Việt là “Phúc-Trạch Dụ-Cát”, qua những công trình nghiên cứu vềảnh hưởng đối với tư tưởng của Phan Bội Châu, Phong trào Duy tân và lịch sử cận đại Việt Nam cùng bản dịch cuốn Gakumon no susume (Khuyến học) của giáo sư sử học Chương Thâu. Sự thành công của cuộc Minh Trị Duy tân là tấm gương sáng, là nguồn cổ vũ cho rất nhiều chí sĩ tâm huyết với sự nghiệp giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trong đó có Phan Bội Châu và những sĩ phu của Phong trào Duy tân.
Sau thất bại trong Thế chiến thứ Hai, mặc dù giới nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn của Nhật Bản có thể có những nhìn nhận lại về tư tưởng Fukuzawa Yukichi, nhưng cần khẳng định một điều rằng, không một nhà tư tưởng nào lại có ảnh hưởng sâu và rộng đến xã hội Nhật Bản cận hiện đại hơn Fukuzawa Yukichi! Có thể nói, những tư tưởng về chính trị, xã hội, kinh tế mà Fukuzawa Yukichi truyền bá là căn nguyên phát triển của Nhật Bản cận hiện đại. Vì vậy, việc tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp cũng như tư tưởng Fukuzawa Yukichi là điều cần thiết, không chỉ giúp chúng ta nhìn nhận lại những vấp váp của lịch sử cận đại Việt Nam, mà còn hữu ích cho cả sự phát triển hiện nay. Đây cũng chính là điều khiến dịch giả quan tâm đến các trước tác của Fukuzawa Yukichi nói chung và cuốn Phúc Ông tự truyện nói riêng.
Cuốn tự truyện kể về những bước thăng trầm trong cuộc đời Fukuzawa Yukichi từ khi sinh ra cho đến những năm tháng tuổi già. Từng chi tiết nhỏ, từng vấp váp trong đời sống thường nhật hiện lên vóc dáng một người kiên nghị, quyết đoán, luôn độc lập trong suy nghĩ, sắc sảo trong phê phán, nhưng về mặt tâm tư, tình cảm lại không kém phần trầm lắng và sâu sắc.
Có thể nói, chưa đọc Phúc Ông tự truyện thì chưa thể hiểu nhân cách cũng như tư tưởng của Fukuzawa Yukichi! Cuốn tự truyện không chỉ là lời tự thuật chân thực về những thăng trầm trong cuộc đời của Fukuzawa Yukichi, mà còn tái hiện được cả bối cảnh phức tạp của xã hội Nhật Bản trong thời kỳ chuyển biến dữ dội vào nửa sau thế kỷ XIX. Và một điều cần nói thêm rằng, tất cả những biến động lớn lao đó của lịch sử Nhật Bản được phản ánh qua những trải nghiệm thực tế, sự phân tích sắc sảo với tư cách người đương thời cùng giọng kể chân thành và ngôn ngữ giàu nhạc điệu của Fukuzawa Yukichi, nghĩa là những gì được tái hiện trong cuốn tự truyện khác xa với sự tường thuật cứng nhắc ở bất kỳ một cuốn sách giáo khoa về lịch sử nào khác.
Cuốn tự truyện có 13 chương, mỗi chương lại bao gồm những câu chuyện nhỏ khác nhau. Trong quá trình dịch cuốn Phúc Ông tự truyện này, người dịch chủ yếu dựa trên bản Fukuō Jiden do Tomita Masafumi khảo chú, được Nhà xuất bản Đại học Keiō-gijuku Daigaku ấn hành vào tháng 1 năm 2001. Tomita Masafumi là người đã dày công nghiên cứu về thân thế và sự nghiệp của Fukuzawa Yukichi. Không chỉ phiên âm cách đọc về tên người, địa danh mà các chú thích của ông cũng là nguồn tham khảo vô cùng quý báu cho người dịch.
Về các ký hiệu trong bản dịch cũng như nội dung, chúng tôi xin lưu ý về một sốđiểm sau:
1. Về tên người, địa danh và một số từ chuyên dùng, không có từ thay thế trong tiếng Việt, người dịch sẽ giữ nguyên và chỉ phiên âm cách đọc. Bên cạnh đó, người dịch sẽ đưa thêm cả cách đọc Hán Việt trong ngoặc đơn để bạn đọc dễ nhớ, dễ liên tưởng đến sự tương đồng giữa tiếng Việt với tiếng Nhật và tiện phân biệt khi có những từ đồng âm khác nghĩa.
Ví dụ: Nakatsu (Trung-Tân)
2. Các chữ o, u, e… có dấu gạch ngang trên đầu nhưō, ū, ē… là để phân biệt đoản âm và trường âm trong tiếng Nhật.
Ví dụ: Tanso khác với Tansō
3. Trong bản dịch, người dịch dùng dấu phẩy trên đầu để chia tách các âm không ghép vần với nhau.
Ví dụ: Kame’i (đọc là Ka-me-i) để phân biệt với Kamei (đọc là Ka-mei).
Bản dịch lần này chắc chắn sẽ không tránh khỏi những thiếu sót, rất mong độc giả lượng thứ và đóng góp ý kiến để chúng tôi có thể hoàn thiện trong những lần in sau.
Nhật Bản, ngày 30 tháng 1 năm 2005
Dịch giả PHẠM THU GIANG
Bạn nên xem thêm: Bốn làn sóng thị trường ảnh hưởng sâu sắc đến doanh nghiệp