fbpx
HTX dược liệu Nà Chang
Tháng Mười Hai 25,2017

Mô hình phát triển dược liệu gắn với cộng đồng. HTX dược liệu Nà Chang – Lịch sử hình thành và phát triển.

Lịch sử hình thành htx dược liệu Nà Chang

Điều kiện địa lý tự nhiên thuận lợi và phù hợp với việc thành lập hợp tác xã.

Thôn Nà Chang là một đơn vị hành chính của thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Đây là nơi cư trú của cộng đồng dân tộc Tày thuộc cao nguyên đá Đồng Văn. Đầu năm 2014, Chương trình phát triển Dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo được xây dựng và triển khai ở tỉnh Hà Giang với địa phương tiên phong đầu tiên là huyện Quản Bạ.

Tháng 10 – 2014, UBND huyện Quản Bạ cùng các phòng chức năng phối hợp với công ty Cổ phần Dược khoa (đơn vị tư vấn chương trình phát triển dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo) đã tổ chức họp với cộng đồng người dân tộc tày tại UBND thị trấn Tam Sơn, để giới thiệu về các mô hình doanh nghiệp phát triển dược liệu gắn với cộng đồng đến với bà con. Sau khi lắng nghe, bàn luận và chia sẻ giữa các bên, bà con đều nhất trí cao rằng điều kiện kinh tế – xã hội tại địa phương rất thuận lợi để thực hiện mô hình này.

 

Quyết định đi đến thành lập hợp tác xã

Và sau đó, dưới sự tư vấn tận tình của các chuyên gia tư vấn của công ty cổ phần Dược khoa (trong đó có PGS. Tiến sĩ Trần Văn Ơn, nguyên Giám đốc Công ty Dược Khoa, trưởng bộ môn thực vật – Trường Đại học Dược Hà Nội), cộng đồng bà con đã thành lập nên HTX Dược liệu Nà Chang theo luật HTX mới (năm 2012) với tổng số thành viên là 15 người, các thành viên trong hội đồng Quản trị – Kiểm soát viên – Ban giám đốc đều là người dân tộc tày tại địa phương.

Sau khi thành lập, HTX đã huy động được một lượng vốn khoảng 300 triệu đồng (từ các thành viên – trong đó đặc biệt có bí thư tỉnh ủy Triệu Tài Vinh đóng góp 10 triệu đồng, từ chính sách hỗ trợ của nhà nước – địa phương) và bắt đầu tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất.

 

Cần làm gì để có được sản phẩm và duy trì hoạt động của HTX

Sau khi hoàn tất các hạng mục hạ tầng cơ bản, câu hỏi khiến ban Giám đốc và các phòng ban chuyên trách của huyện cũng như đơn vị tư vấn đau đầu, đó là “chúng ta cần phải làm gì để có được sản phẩm và công việc cho bà con duy trì hoạt động HTX”. Và một vị khách mời được PGS. TS Trần Văn Ơn liên hệ với để lên đồng hành cùng bà con – đó chính là ông Lã Xuân Hạnh – Chủ tịch hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Nam Dược. Một cuộc họp đã được tổ chức với sự tham gia của UBND huyện, các phòng ban, bên đơn vị tư vấn Dược Khoa, HTX cùng ông Lã Xuân Hạnh đã diễn ra để trả lời câu hỏi “chúng ta sẽ làm cái gì?”.

Kết thúc cuộc họp, cây Atiso gai (giống có hàm lượng cynarin cao nhất) đã được lựa chọn để trồng, chế biến, và ông Lã Xuân Hạnh đã tặng cho HTX 20 kg (khoảng 60 triệu) giống để gieo và canh tác. Lần đầu tiên canh tác cây trồng mới, cả HTX gặp muôn vàn khó khăn khi mà kỹ thuật chưa có, kinh nghiệm chưa có, đất đai lại nhiều dịch bệnh và muôn vàn chi phí cần đến nguồn tiền mặt, nhưng bằng sự quyết tâm của cộng đồng – ngày 1/1/2015 cây trồng Atiso đầu tiên đã được trồng tại ruộng.

 

Lớp tập huấn kĩ thuật trồng trọt theo tiêu chuẩn GACP – WHO

Tuy nhiên, sau 1 tháng trồng – cây Atiso có sự phát triển không đồng đều giữa các lô trồng và bắt đầu có dịch bệnh. Nhận thấy nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng nguyên liệu, PGS.TS Trần Văn Ơn lập tức liên lạc với các phòng ban chức năng huyện và HTX để tổ chức một lớp học “Kỹ thuật trồng trọt tốt cây thuốc theo tiêu chuẩn GACP – WHO” do chính thầy biên soạn và đứng giảng. Lớp học đã được tổ chức, học viên không chỉ là bà con mà còn có cả các cán bộ chuyên tránh, các sở của tỉnh và cả Bí thư tỉnh ủy Triệu Tài Vinh cũng tham dự với mong muốn “tất cả nhìn về một hướng trong phát triển dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo”.

 

Khó khăn chồng chất khó khăn trong quá trình sản xuất khi không đủ vốn hoạt động

Sau khi được đào tào, kỹ thuật của bà con được nâng cao, tuy duy “trồng cây dược liệu cũng như cây lúa – cây ngô” đã được thay đổi, nhưng lô trồng cây Atiso ngày một tươi tốt và hứa hẹn cho năng suất và chất lượng cao. Sau khi xác định được tổng sản lượng dự kiến, HTX và bên tư vấn đã lựa chọn ra được một quy trình sơ chế nguyên liệu tươi và nấu cao Atiso với giá thành lên đến 300 triệu đồng.

Số tiền mặt ban đầu đã sử dụng hết trong xây dựng cơ sở hạ tầng, việc huy động vốn từ cộng đồng gặp khó khăn do kinh tế bà con còn chưa dư dả. Trong tình thế cấp bách đó, việc vay tiền đã được mọi người chấp thuận và đưa ra, nhưng câu hỏi vay ai được mới là điều quan trọng? Vay ngân hàng thì thủ tục khó khăn, nếu được giải ngân thì Atiso cũng hết mùa, vay cá nhân thì ai cũng rụt rè cho vay vì chưa biết HTX sẽ ra sao. Niềm hi vọng cuối cùng của HTX là PGS. TS Trần Văn Ơn, và một cuộc gặp tại quán Cà phê ở Hà Nội đã giúp HTX giải quyết khó khăn khi ông Trần Văn Ơn cho HTX vay 150 triệu đồng không lãi, không hạn trả lại. Một dây chuyền sản xuất cao Atiso được xây dựng và vận hành thành công. Mẫu cao đem đi sấy khô và kiểm nghiệm cho hàm lượng Cynarin cao 8% (gấp 3 lần theo tiêu chuẩn Dược điển). Toàn bộ số cao sản xuất trong năm 2015 đã được 1 công ty bao tiêu toàn bộ.

 

Khó khăn tiếp tục xảy ra: Làm thế nào để giảm thiểu chi phí, duy trì hoạt động?

Tuy nhiên, bên tư vấn công ty Cổ phần dược khoa đã nhận ra rằng, chi phí sản xuất cao của HTX đang cao gấp 3 lần so với thị trường. Nếu vấn đề này không được lưu ý và thay đổi thì việc mở rộng diện tích và đầu ra sản phẩm gặp khó khăn trong năm 2016 cũng như những năm còn lại.

Và dự đoán đó đã đúng vào năm 2016, hợp tác xã đã bị tồn kho gần 1 tấn sản phẩm cao Atiso, một lần nữa Giám đốc HTX lại đau đầu với những câu hỏi: Làm thế nào để tiêu thụ cao tồn kho để có tiền khi người dân yêu cầu thanh toán ngày một nhiều? Làm thế nào để giảm thiểu chi phí?

Và các chuyên gia tư vấn của công ty Cổ phần Dược khoa đã được giao nhiệm vụ hỗ trợ giải quyết vấn đề này. Sau một tháng quan sát và phân tích, chuyên gia cho rằng: Việc chi phí sản xuất cao hơn nơi khác do 3 yếu tố cấu thành:

1. Nguyên liệu, nhiên liệu sản xuất,

2: Công lao động,

3: Quy trình sản xuất có nút thắt.

Giải pháp đưa ra là:

  • Đàm phán với nơi cung cấp nguyên liệu về giá
  • Tăng cường quản lý sản xuất.
  • Thay đổi chế độ trả công.
  • Thay đổi và rút ngắn quy trình
  • Bổ sung trang thiết bị gỡ bỏ nút thắt.

Để làm được những việc đó, vấn đề vốn một lần nữa quay lại với HTX khi 02 chiếc máy được đề xuất và lựa chọn là máy băm công suất cao và máy cô sử dụng điện. Một lần nữa, HTX lại tìm đến PGS. Tiến sĩ Trần Văn Ơn, nhưng lần này HTX không cần vay tiền, mà bằng sự quen biết của mình, PGS. TS Trần Văn Ơn đã xin được 1 chiếc máy băm cũ công suất lớn từ 1 công ty dược của người bạn và thuyết phục được công ty cổ phần thung lũng xanh Việt Nam (GPV) góp vốn thêm 100 triệu vào HTX.

Mọi vấn đề chi phí sản xuất cao đã được áp dụng và triển khai ngay lập tức. Còn vấn đề cao tồn, phương án đưa ra là thương mại hóa sản phẩm phục vụ thị trường du lịch tại địa phương. Việc triển khai thương mại hóa có vẻ rất dễ nhưng không ngờ đó lại là việc khó nhất mà HTX từng gặp. Tất cả thành viên đều là người nông dân, khi bước vào thương mại hóa tức là bước vào thị trường với kiến thức về: Thương hiệu, mẫu mã bao bì, kênh phân phối, giá bán, tác động sau bán hàng gần như là con số không.

 

Làm thế nào để bán hàng ra thị trường???

Và điều gì đến cũng phải đến, 3 lô sản xuất đầu tiên, HTX nhận được phản hồi tồi tệ từ khách hàng và phải thu hồi toàn bộ sản phẩm đem đi bỏ. Vốn liếng đầu tư mất sạch, Giám đốc đến hội ý với người phụ trách việc thương mại hóa SP là nên làm nữa hay không? Người phụ trách kể một câu chuyện: Edison làm ra chiếc bóng đèn mất 2000 lần thí nghiệm thất bại, khi mọi người hỏi điều gì khiến ông có động lực làm sau 2000 lần thất bại? Edison trả lời: Tôi chưa bao giờ thất bại, để làm ra chiếc bóng đèn, tôi cần 2000 bước. Vậy chúng ta thương mại hóa sản phẩm này cần bao nhiêu bước? Khi chúng ta mới đi đến bước thứ 3.

Và sau đó, việc thương mại hóa lại được tiến hành và khách hàng đã có nhiều phản hồi tốt, nhiều người gọi điện cảm ơn vì dùng sản phẩm giúp họ hết mụn, uống rượu thấy đỡ mệt mỏi hơn… Và đến hiện tại, năm 2017, hàng chục ngàn đơn vị sản phẩm Atiso đã được bán đi, chi phi sản xuất đã giảm thiểu bằng với giá thị trường và chất lượng vượt trội hơn hẳn.

 

Kết quả sau 3 năm hoạt động

Trải qua 3 năm thành lập và hoạt động, HTX Dược liệu Nà Chang đã là đơn vị tạo việc làm cho 10 lao động dân tộc Tày, là nơi bao tiêu lá Atiso tươi cho bà con vùng cao nguyên đá với năng suất 50 – 60 tấn tươi / 1 ha đất, doanh thu đem lại hơn 100 triệu / ha / vụ, cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa, ngô. Đến thời điểm hiện tại, đã có rất nhiều doanh nghiệp đến đặt hàng và hợp tác kinh doanh dược liệu với HTX. Hứa hẹn 1 năm mới 2018 đầy triển vọng dù còn nhiều khó khăn, thử thách đang chờ đón.

 

Hình ảnh người giám độc dân tộc thiểu số gánh vác một công ty dược liệu

Hình ảnh một vị Giám đốc kiêm công an viên thị trấn Tam Sơn, người dân tộc Tày đã trở thành biểu tượng và phong cách của HTX. Dù mới chỉ học hết lớp 9, sinh năm 1976 nhưng những gì mà đã trải qua trong kinh doanh và quản trị không phải ai cũng đủ bản lĩnh để vượt qua.
Câu chuyện của HTX Nà Chang là ví dụ điển hình trong việc phát triển dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo. Đó là minh chứng rất cụ thể lời nói của PGS. TS Trần Văn Ơn trong cuộc họp năm 2013 khi UBND tỉnh Hà Giang chuẩn bị triển khai dự án phát triển dược liệu:

1. Muốn phát triển dược liệu gắn với cộng đồng phải hình thành doanh nghiệp cộng đồng;
2. Khi có doanh nghiệp cộng đồng, ngoài liên kết giữa nhà nông – nhà nước – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp thì cần phải có thêm 1 nhà nữa, đó là nhà tư vấn doanh nghiệp;
3. Muốn hoạt động ổn định, phải thương mại hóa sản phẩm thành công;
4. Khi triển khai, 3 cái khó nhất chúng ta sẽ gặp phải là: Con người – Công nghệ sản xuất – Tiền vốn;
5. Doanh nghiệp cộng đồng khi hoạt động, 3 năm đầu chắc chắn phải lỗ. Những năm còn lại có thể vẫn lỗ nữa, vì vậy các CEO cộng đồng phải có tinh thần thép để đón nhận điều này. Chỉ cần “trường kỳ kháng chiến” chắc chắn sẽ thành công.

Với xu thế của thời đại, khi các phẩm thảo dược có nguồn gốc từ tự nhiên đang được ưa chuộng thì HTX Nà Chang đã và đang hoạt động theo xu thế đó. Với sứ mệnh

“Biến Việt Nam trở thành vườn Thảo dược của thế giới” của PGS. TS Trần Văn Ơn, HTX Nà Chang hi vọng được góp phần thực hiện thành công sứ mệnh đó dù biết phía trước còn nhiều khó khăn đang chờ đợi.

HKC

Trân trọng!

5 (100%) 2 vote[s]