Những điều cần biết trước khi sử dụng Táo đỏ
Táo đỏ (Fructus Ziziphi jujubae) được coi là vị thuốc đầu bảng trong Đông y vì hầu hết trong các bài thuốc Bắc đều có chứa thành phần này. Táo đỏ còn được gọi là Đại táo, Táo tàu… giúp bồi bổ rất tốt và có hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Là quả chín đã phơi hay sấy khô của cây Đại táo (Ziziphus jujuba Mill. var. inermis (Bge.) Rehd.), họ Táo ta (Rhamnaceae).
Gần đây do mình bán các loại trà hoa thích hợp dùng với Táo đỏ để cho thực khách được thưởng thức, phần vì mình thích ăn loại này nên tìm hiểu khá nhiều. Càng tìm hiểu càng thấy nhiều loại trên thị trường và thông tin có phần…loạn nên mình viết bài này để tổng hợp thông tin giúp các bạn có thông tin xác thực đáng tin cậy để có thể lựa chọn được nguồn sản phẩm chất lượng.
Vườn trồng táo đỏ tại Trung Quốc
Hiện nay hầu hết các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc đều có rất nhiều mức giá, nhiều loại chất lượng. Cho tới nay, Táo đỏ vẫn hoàn toàn phải nhập của Trung Quốc. Tại Trung Quốc, đại táo nhiều nhất ở Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Đông, Phúc Kiến, Thiềm Tây, Tứ Xuyên, Vân Nam. Trước kia, ở Việt Nam cũng từng có người trồng được trong vườn nhà, nhưng số lượng không đáng kể và sau một vài năm cây sẽ thoái hóa dần và chết. Tôi từng được nghe người ta nói, một số loại quả của Trung Quốc được tiêm thuốc vào hạt nên những hạt từ quả đó sẽ không nảy được. Đến ngay cả cây trồng lên rồi cũng không sống lâu năm như ở đất nước họ được. Trung Quốc cũng đã từng giúp ta di thực cây này nhưng mới dừng lại ở thí nghiệm và chưa triển khai trên thực tế.
Vậy táo đỏ như thế nào là chất lượng tốt và thơm ngon?
Quả có hình bầu dục hoặc hình trứng, dài 2 – 3,5 cm, đường kính 1,5 – 2,5 cm, gốc quả lõm, có cuống quả ngắn. Vỏ quả ngoài mỏng, nhăn nheo, màu hồng tối, hơi sáng bóng. Vỏ quả giữa mềm, xốp, ngọt và có dầu, màu vàng nâu hay nâu nhạt. Vỏ quả trong là một hạch cứng rắn, hình thoi dài, hai đầu nhọn, có 2 ô, chứa các hạt nhỏ hình trứng. Mùi thơm đặc biệt, vị ngọt.
- Táo đỏ dùng để ăn như trái cây hàng ngày là loại quả mẫm ( gấp 1,5 – 2 lần ngón tay cái), hạt nhỏ có màu đỏ đậm đều và táo ăn rất chắc, không bị xốp. Cắn vào miệng bạn cảm nhận được mùi thơm của táo và quan trọng là không có mùi mốc khó chịu.
- Táo dùng để làm trà, hầm gà hoặc làm thuốc Bắc thì quả nhỏ hơn chút và có thể xốp hơn cũng không sao.
- Bạn quan sát kĩ ở cuống và phần ngọn quả thấy màu tươi sáng, chứ không có phần trắng như kiểu mốc và mùi mốc thì có thể yên tâm sử dụng hơn.
- Và điều quan trọng là phải có kĩ năng đọc thông tin ở bao bì sản phẩm để biết được nguồn gốc và nhà phân phối tại Việt Nam là ai? Có đáng tin cậy hay không? Đây là kĩ năng quan trọng khi mua hàng, không chỉ riêng đối với Táo đỏ. Cho tới hiện nay, chưa có nhà phân phối chính thức nào có bao bì bằng Tiếng Việt theo đường chính ngạch ở Việt Nam, mới chỉ có tiếng Trung Quốc. Cũng có một số đơn vị tự đóng gói với quy mô nhỏ lẻ không đáng kể.
Những công dụng thực sự của Táo đỏ là gì?
Theo nhiều tài liệu, táo đỏ có vị ngọt, tính ôn vào hai kinh tỳ và vị. Có tác dụng bổ tỳ, ích khí, dưỡng vị sinh tân dịch, điều hòa doanh vệ, hòa giải các vị thuốc khác, đó cũng là lý do vì sao mà bài thuốc Bắc nào cũng đều có chứa táo đỏ.
Với vị ngọt tự nhiên, Táo đỏ chứa nhiều thành phần có lợi cho sức khỏe như lipid, protein, vitamin A, B1, B2, hydrocarbon, canxi, photpho, caroten, vitamin C giúp bổ sung khí huyết, bổ não và hồi phục sức khỏe sau khi ốm dậy. Ngoài ra, còn giúp bổ sung thêm sắt cho thai phụ.
Trên nhiều trang web hiện nay viết về rất nhiều công dụng của Táo đỏ khiến người “ngoại đạo” hoa mắt, khó hiểu. Nhưng ở đây, bạn chỉ cần quan tâm đến tác dụng chính là bồi bổ và điều hòa cơ thể để không bị…loạn tác dụng. Tôi không muốn nêu ra quá nhiều tác dụng để bạn đọc khó hiểu và khó nhớ, mà chỉ nêu ra những ý chính đáng quan tâm nhất.
Với những tác dụng tuyệt vời đó, nên sử dụng như nào thì hợp lý?
- Như đã nhắc đến ở trên, loại táo đỏ thượng hạng có thể dùng để ăn như trái cây hằng ngày. Vậy dùng với lượng bao nhiêu thì đủ? Cái gì bổ mà ăn nhiều quá cũng không tốt, táo đỏ cũng vậy. Theo những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của Đỗ Tất Lợi, một ngày bạn chỉ nên ăn từ 5 – 10 quả là có đủ dinh dưỡng cho cả ngày.
- Ngoài ra, có thể dùng để pha các loại trà hoa, giúp điều hòa tính vị của trà hoa, giúp trà ngọt hậu, thơm ngon và giảm vị đắng của một số loại hoa.
- Dùng hầm thuốc Bắc, như hầm các món gà, chim… rất bổ dưỡng. Món này cũng chỉ nên ăn 1 – 2 bữa 1 tuần do hàm lượng dinh dưỡng rất cao.
Ở đây, mình chỉ hướng dẫn những cách làm chính, do là vị thuốc đầu bảng dùng trong Đông y nên có rất nhiều cách sử dụng và nhiều món ăn khác nhau. Nên bạn có thể tìm hiểu ở nhiều bài báo khác.
Rất mong bài báo này hữu ích đối với bạn đọc!