Công nghệ trái cây và sự giác ngộ tự nhiên…
Muốn thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn này, cách duy nhất là nâng cao kiến thức và chọn mua trái cây từ những nguồn trồng hữu cơ thuận tự nhiên.
Hôm vừa rồi có người bạn gửi cho tôi hình cắt một quả xoài trồng ở miền Tây – vựa trái cây lớn nhất vn (chụp 1 trái đại diện, toàn bộ 4 quả xoài mua về đều bị như hình).
Xem bức hình mà tôi rùng mình, vỏ bên ngoài vẫn bóng đẹp ngả màu vàng của xoài chín nhưng bên trong thì đã bắt đầu thối rữa, đây là dấu hiệu chứng tỏ xoài được tắm thuốc kích trái quá nhiều. Mặc dù biết đầu tháng 12 chưa vào vụ xoài và hoa quả “chín sớm” thường phải sử dụng nhiều hóa chất độc hại, tôi vẫn bị sốc trước tác động quá khủng khiếp của chúng lên trái xoài. Từ rất lâu gia đình tôi chỉ ăn trái cây trồng hữu cơ thuận tự nhiên và tuân theo quy luật “vùng nào thức nấy”, “mùa nào trái nấy” nên không biết thị trường trái cây đã “phát triển” đến mức không thể ngờ.
Một người quen chuyên thu mua trái cây “bật mí” cho tôi là nhiều khả năng quả xoài này đã được phun thuốc nước “Gờ 4” (GA4) của Trung Quốc (tên gọi khác là Progibb T98 – loại chuyên dùng cho các nhà vườn phun trái nhanh lớn) vì hạt nhìn rất non, xốp và mỏng. Ngoài ra, việc xoài không có mùi thơm (mặc dù nhìn bên ngoài có vẻ đã chín) chứng tỏ sau khi thu hoạch nó đã được ngâm các hóa chất thúc chín, phổ biến nhất hiện nay là carbendazim, tebuconazol, và 2,4D. Hỗn hợp theo tỉ lệ 1:1 của 2,4D và 2,4,5T chính là chất độc màu da cam (dioxin) mà ai nghe cũng phải khiếp sợ. Carbendazim phá hủy quá trình tháo nếp gấp của nhiễm sắc thể có thể gây ung thư và vô sinh; khi thử nghiệm carbendazim trên chuột cho thấy carbendazim có khả năng tích tụ dần trong cơ thể, tới lúc nào đó sẽ gây đột biến, kích thích tế bào khối u phát triển, ảnh hưởng đến bào thai và gây dị dạng cho thế hệ sau. Tebuconazol cũng đã được FDA đưa vào danh sách các chất gây ung thư mạnh. Với cách quét trực tiếp ở dạng dung dịch đậm đặc lên cuống trái cây, các hóa chất trên chắc chắn sẽ vẫn còn dư lượng để gây ra ngộ độc mạn tính cho người ăn.
Tôi có người bạn chuyên trồng trái cây hữu cơ thuận tự nhiên trên rừng nguyên sinh Tánh Linh (Bình Thuận). Anh lúc nào cũng cầu cho mưa thuận gió hòa để hoa quả tốt tươi, vì chỉ cần trái gió trở trời là xem như đi tong cả vụ, độ ngon ngọt cũng phụ thuộc cả vào “ông trời”. Ví dụ: mưa dầm thì mít/sầu riêng/dưa hấu sẽ có vị nhạt, tệ hơn là bị úng thúi phải vứt bỏ; hay nắng gắt kéo dài thì quýt cho chất lượng rất kém. Vì chỉ có thể cung cấp trái cây khi đến mùa của từng loại (và số lượng cũng rất hạn chế) nên anh hay bị khách hàng giận dỗi, đặc biệt là khi không thể thỏa mãn cơn thèm “trái mùa” của các vị khách khó tính nhưng “ít“hiểu biết”. Anh tâm sự là làm nghề nông đã cực, mà nghề nông hữu cơ còn cực gấp nhiều lần (chi phí không tốn mấy nhưng công sức thì nhiều không kể xiết). Điều đó cũng lý giải vì sao các nhà vườn trái cây “cam tâm” sử dụng đủ mọi loại hóa chất, ngoài yếu tố đảm bảo lợi nhuận thì còn là “sự tiết kiệm” công sức rất đáng kể, đỡ nhọc tấm thân và quan trọng là mùa nào cũng có hàng để bán.
Với công nghệ sản xuất và bảo quản trái cây quá khủng khiếp như hiện nay, dù ăn theo trường phái nào (thực dưỡng/thuần chay/ăn kiêng/mặn) thì cũng có khả năng bị đầu độc rất cao. Muốn thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn này, cách duy nhất là nâng cao kiến thức và chọn mua trái cây từ những nguồn trồng hữu cơ thuận tự nhiên.
Chúc các bạn sức khỏe và sự lựa chọn sáng suốt,
Sài Gòn, 27/12/2017
Jerry Do
Bạn nên xem thêm: [Thuốc bổ dương] Ba Kích “giả”: Có thể bạn đã từng mua.