Chọn dược liệu để định hướng phát triển sản phẩm thế mạnh cho vùng cao
Theo quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển tổng thể dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng chính thủ đã đề ra mục tiêu:
– Bảo tồn và khai thác dược liệu tự nhiên: Quy hoạch các vùng rừng, các vùng có dược liệu tự nhiên ở 8 vùng dược liệu trọng điểm bao gồm Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ để lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu đạt khoảng 2.500 tấn dược liệu/năm; Xây dựng 05 vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia đại diện cho các vùng sinh thái, là nơi tập trung, bảo tồn và trồng mới nhiều loài cây thuốc được thu thập ở các địa phương khác nhau, đại diện cho vùng khí hậu đặc trưng để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và phát triển dược liệu. Phấn đấu đến năm 2020 bảo tồn được 50% và năm 2030 là 70% tổng số loài dược liệu của Việt Nam.
– Phát triển trồng cây dược liệu: Quy hoạch phát triển 54 loài dược liệu thế mạnh của 8 vùng sinh thái phù hợp với điều kiện sinh trưởng và phát triển của cây thuốc để đến năm 2020 đáp ứng được 60% và đến năm 2030 là 80% tổng nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước, tăng cường khả năng xuất khẩu dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu trong nước.
Phù hợp với mục tiêu đó, dự án phát triển dược liệu Hà Giang thành vùng trọng điểm về dược liệu gắn với xóa đói, giảm nghèo, chính quyền địa phương, các nhà doanh nghiệp, các nhà khoa học đã vào cuộc lựa chọn 58 cây dược liệu định hướng phát triển, trong đó có 41 loài định hướng trồng theo tiêu chí GAP và 17 loài định hướng thu hái tự nhiên theo tiêu chí GCP.
Hà Giang là một vùng rất có tiềm năng phát triển dược liệu, tuy nhiên để biến điểm mạnh này thành một lợi thế cần hết sức thận trọng trong việc lựa chọn loài. Các tiêu chí lựa chọn loài phát triển tại Hà Giang:
- Tránh các loài không phải lợi thế của Hà Giang. Theo quan điểm đó không nên chọn Ba kích, Trinh nữ hoàng cung, Quế, Hồi. Khi chưa được kiểm nghiệm, kiểm tra kĩ càng, không nên đưa vào phát triển một cách vội vàng.
- Phải có nhu cầu thị trường. Đây cũng là điều tất yếu đối với việc phát triển bất cứ một ngành kinh tế nào khác.
- Phải đáp ứng với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, khả năng đáp ứng nhu cầu tưới, tiêu cho dược liệu.
- Trồng những loài có giá trị kinh tế cao hơn các cây trồng hiện tại. Người dân đang tiến hành trồng cây lương thực, ta đưa một cây mới vào người dân rất khó nghe, ít nhất phải tạo ra giá trị kinh tế cao hơn cây mà họ đang trồng từ 120 % – 150%. Vì dược liệu là một cây đặc thù khi tiến hành trồng, chăm sóc khó khăn hơn dược liệu, rất dễ làm họ nản lòng, do đó cần chỉ ra được giá trị kinh tế.
- Trước mắt ưu tiên các loài có chu kì sinh trưởng ngắn để chăm sóc, sau đó từng bước phát triển các loài cây yêu cầu thâm canh cao, ngày càng có giá trị kinh tế.
- Phân tích tổng hợp.
Từ đó, các doanh nghiệp phát triển dược liệu Hà Giang chọn ra 41 cây dược liệu định hướng trồng và 17 cây dược liệu định hướng thu hái tự nhiên.